Hoạt động của không quân trong các chiến dịch Mặt_trận_Baltic_(1941)

Không quân Đức quốc xã làm chủ bầu trời Pribaltic

Sát trước chiến tranh, Quân khu đặc biệt Pribaltic sở hữu một lực lượng không quân đáng kể gồm các sư đoàn không quân hỗn hợp 4, 6, 7, 8, Sư đoàn không quân ném bom 57, các trung đoàn máy bay vận tải 21 và 312 được trang bị khoảng 1.200 máy bay các loại.[16][44] Hạm đội Baltic cũng có một lực lượng không quân khá mạnh gồm các lữ đoàn không quân 8 (ném bom), 10 (hỗn hợp), 61 (tiêm kích), 2 trung đoàn không quân trinh sát, liên lạc, vận tải, 7 đại đội thủy phi cơ và 1 lữ đoàn đổ bộ đường không, được trang bị 656 máy bay, trong đó có 172 máy bay ném bom.[45]

Tuy nhiên, trang bị của không quân của mặt đất và không quân của hải quân Liên Xô thời kỳ này khá lạc hậu. Trong số hơn 1.200 máy bay của 5 sư đoàn không quân chỉ có hơn 200 chiếc MiG-3, Yak-1, IL-2, Pe-2Tu-1. Số còn lại là các máy bay chế tạo từ những năm 1933-1936 như các máy bay tiêm kích loại hai tầng cánh I-5, I-15, loại 1 tầng cánh I-16; các máy bay ném bom loại hai tầng cánh I-4, ANT-3, loại một tầng cánh TB-1 (ANT-4), TB-3 (ANT-6) bay êm nhưng chậm chạp và hầu như không có hỏa lực phòng thủ. Những máy bay này không thể là đối thủ của các máy bay tiêm kich hiện đại của nước Đức Quốc xã như Me-109, He 100, He 112, Fokker G.I cũng như các máy bay ném bom Me-110, Ju-87, Ju-88, He-111, Fw 200.[46] Không quân của hạm đội Baltic chủ yếu sử dụng loại máy bay tiêm kích hai tầng cánh I-5, I-15, I-153, máy bay ném bom ANT-3, TB-1 và cả máy bay đưa thư Po-2. Hải quân hạm tàu của Hạm đội Baltic có 62 chiếc thủy phi cơ Sch-2MBR-2. Một số ít máy bay I-16 đã được đưa vào sử dụng nhưng đội ngũ phi công của hạm đội vẫn chưa thể sử dụng thành thạo loại máy bay mới này.[47]

Vào thời điểm bắt đầu cuộc chiến, không quân của Phương diện quân Tây Bắc (Liên Xô) đã không kịp chuyển cấp chiến đấu, không kịp phân tán máy bay tại các sân bay chính ra các sân bay dự bị, không kịp ngụy trang và chuẩn bị kỹ thuật để cất cánh; do đó, đã trở thành mục tiêu cho các trận oanh tạc lớn của không quân Đức Quốc xã. Ngay trong các trận không kích đầu tiên từ 3 giờ 50 phút sáng 22 tháng 6 năm 1941, các sân bay gần biên giới như Grodno, Šiauliai, Vilnius, Kaunas, Lida, Jelgava cũng như các sân bay ở sâu trong địa bàn quân khu như Riga, Daugavpils, MolodechnoTallinn đều đồng loạt bị tấn công. Hàng dãy máy bay, chủ yếu là các máy bay kiểu mới) đậu trên các đường lăn nối tiếp nhau trúng bom, bắt lửa và bốc cháy. Chỉ sau ba ngày liên tục dội bom, không quân Đức Quốc xã đã phá hủy 921 máy bay Liên Xô, chiếm 76% số lượng máy bay của không quân thuộc Phương diện quân Tây Bắc (Liên Xô).[16] Các đường băng bị phá hỏng làm cho các phi công Liên Xô phải cất cánh trong những điều kiện rất khắc nghiệt. Nhiều máy bay Liên Xô đang tăng tốc chưa kịp rời khỏi mặt đất đã bị không quân Đức bắn rơi. Các phi công Liên Xô phải chấp nhận các trận không chiến có so sánh lực lượng áp đảo thuộc về không quân Đức Quốc xã với tỷ lệ 1:6 đến 1:7. Thiếu máy bay tiêm kích yểm hộ, các máy bay ném bom chậm chạp của không quân Liên Xô tại vùng Baltic đã trở thành cô độc và nhanh chóng bị các máy bay tiêm kích Đức loại khỏi vòng chiến.[48]

Trong thế bị động, không quân của Phương diện quân Tây Bắc và không quân của Hạm đội Baltic vẫn tìm cách giáng trả đối phương. Ngày 23 tháng 6, Sư đoàn không quân ném bom 57 tổ chức 5 tốp máy bay ném bom Warszawa, các hải cảng Klaipėda (Memel), KönigsbergDanzig. Ngày 25 tháng 6, sau khi Phần Lan tuyên chiến với Liên Xô, không quân của Hạm đội Baltic đã ném bom Helsinki, thành phố Tampere và cảng Turku của Phần Lan. Ngày 6 tháng 7, không quân của Hạm đội Baltic tổ chức một trận chiến không đối hải lớn, phối hợp với tuần dương hạm Marsim Gorky đánh chìm một tàu khu trục Đức tại vùng biển ngoài khơi cảng Ventspils. Tuy nhiên, vì để xảy ra những tổn thất quá lớn, ngày 29 tháng 6, trung tướng A. P. Yonov, tư lệnh không quân của Phương diện quân Tây Bắc bị cách chức. Thay thế ông là thiếu tướng Ivan Petrovich Zhuravlev, phó tư lệnh không quân của Phương diện quân.[49]

Không quân hạm đội Baltic không kích Berlin

Máy bay ném bom DB-3 (phiên bản dùng cho hải quân của TB-3)

Ngày 31 tháng 7 năm 1941, Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô đã ra một quyết định bất ngờ: sử dụng không quân của Hạm đội Baltic phối hợp với không quân ném bom tầm xa mở cuộc không kích vào Berlin, thủ đô của nước Đức Quốc xã để trả đũa đối với các cuộc oanh tạc của không quân Đức Quốc xã vào Moskva. Kế hoạch được mang tên mật là "Chiến dịch B".[50] Do các sân bay trên đất liền gần biên giới đều bị quân đội Đức đánh chiếm và Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) đang giao chiến với Phương diện quân Tây (Liên Xô) tại cửa ngõ Smolensk, STAVKA quyết định sử dụng không quân của Hạm đội Baltic tại căn cứ trên đảo Saaremaa và căn cứ Hanko phối hợp với không quân chiến lược tầm xa thực hiện nhiệm vụ này.[51] Ngày 2 tháng 8 năm 1941, 45 máy bay ném bom DB-3F (phiên bản TB-3 dùng cho binh chủng không quân của quân chủng hải quân) và IL-4 đã được tập kết tại các căn cứ Kogula trên đảo Saaremaa. Hanko là căn cứ dự bị phía sau.[52] 15 tổ lái, mỗi tổ gồm 5 phi công: Lái chính, hoa tiêu, hoa tiêu ném bom, xã thủ và kỹ thuật cơ khí trên không của Bộ Tư lệnh không quân chiến lược tầm xa được điều đến phối hợp với 30 tổ lái của không quân hạm đội Baltic. Các phi công Liên Xô phải tiến hành các phi vụ ném bom vào ban đêm trong điều kiện không có không quân tiêm kích yểm hộ trên tuyến đường bay khứ hồi có tổng chiều dài 1.740 km từ Kogula đến Berlin và quay về, trong đó có khoảng 1.400 km bay trên biển.[53]

Đêm 6 tháng 8, tổ lái máy bay không số gồm lái chính: đại tá Yevgeni Nikolayavich Preobrazhensky, hoa tiêu: đại úy P. I. Khokhlov, hoa tiêu cắt bom: đại úy A. Ya. Efremov, xạ thủ: trung sĩ Rudakov và kỹ thuật viên trên không: đại úy V. A. Koleshnichenko thực hiện chuyến bay trinh sát dò đường. Chiếc DB-3 xuất phát từ Kogula bay dọc bờ biển Baltic đến Stettin, ngoặt theo hướng Nam đến Berlin và cắt bom rồi quay ra hướng Bắc, đến đảo Bornholm của Đan Mạch thì ngoặt về phía Đông. Các mốc chuẩn được xác định tại đảo Gotland của Thụy Điển (đường bay vào) và đảo Bornholm (đường bay ra). Để giữ bí mật cuộc không kích, ngày 4 tháng 8, hãng TASS (Liên Xô) đưa tin dẫn theo nguồn hãng Reuter (Anh) rằng có một cuộc không kích đã xảy ra tại Berlin do các máy bay ném bom tầm xa của Anh tiến hành. Phía Anh "tung hứng" với phía Liên Xô bằng cách gián tiếp xác nhận bốn máy bay ném bom của họ đã không quay về căn cứ.[54] Đêm 7 tháng 8, Berlin lại bị không kích với một khối lượng bom lớn đã trút xuống phía Tây thành phố. Lần này thì cuộc không kích đúng là do các máy bay ném bom tầm xa của Không quân hoàng gia Anh thực hiện.[55]

Cuộc không kích lớn đầu tiên của Không quân hạm đội Baltic (Liên Xô) vào Berlin diễn ra đêm 8 tháng 8. Các máy bay DB-3 chở quá nặng đến mức chỉ rời mặt đất khi đã chạy đến giới hạn cuối đường băng dài 1,5 km. Bụng máy bay quét vào các ngọn cây. 15 máy bay DB-3 đã thả 30 tấn bom loại FAB-100 và FAB-250 xuống trung tâm Berlin và các vùng phụ cận từ độ cao 6.000 m. Tất cả 15 chiếc DB-3Ilyushin Il-4 đều trở về căn cứ an toàn.[56] Vẫn như lần trước, quân Đức cho rằng Không quân Hoàng gia Anh là "thủ phạm" của cuộc không kích này. Adolf Hitler gọi thống chế Hermann Göring, tư lệnh không quân Đức Quốc xã đến Văn phòng Đế chế và lớn tiếng quở trách:

Sẽ không có một trái bom nào của kẻ thù rơi xuống nước Đức ?! Sẽ không có bất kỳ một trái bom nào của kẻ thù được phép rơi xuống Berlin, thủ đô của các thủ đô trên thế giới ?! Ai đã tuyên bố trước các đảng viên như vậy ? Ai đã hứa với dân tộc Đức như vậy ?
— Adolf Hitler
Máy bay ném bom tầm xa Ilyushin Il-4

Hermann Göring im lặng ra về và ra lệnh cho không quân Đức Quốc xã tiếp tục oanh tạc dữ dội hơn vào London và Moskva.

Sau trận ném bom thứ nhất, kỹ sư cơ giới trên không V. A. Koleshnichenko cho rằng việc nhồi đến 2 tấn bom cho mỗi chuyến bay là liều lĩnh. Rừng cây cuối đường băng không đáng sợ nhưng hiểm họa đang chờ những chiến DB-3 chính là các tảng đá nhọn lởm chởm ở phía Tây đường băng có chiều cao tương đương với các ngọn cây. Mặt khác, nếu cứ tiếp tục bay với tải trọng lớn như vậy thì mỗi máy bay chỉ có thể thực hiện được vài ba chuyến bay trước khi động cơ bị hỏng. Chỉ huy trưởng chiến dịch, đại tá Ye. N. Preobrazhensky đồng ý và ra lệnh mỗi máy bay chỉ được chở từ 800 kg đến 1 tấn bom.[57]

Từ 0 giờ 55 phút đến 1 giờ 25 phút đêm 9 rạng ngày 10 tháng 8, 12 chiếc DB-3 từ sân bay Kogula tiếp tục bay đến nám bom Berlin. Lần này, Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô công khai hóa các cuộc tấn công đường không của mình. 2 trong số 72 quả bom FAB-100 được nhồi hàng nghìn tờ truyền đơn của Liên Xô lên án cuộc xâm lược của nước Đức Quốc xã. Trên đường trở về căn cứ, chiếc DB-3 số hiệu 391113 được điều khiển bởi trung tá Finiagin (lái chính), trung úy Dikyi (hoa tiêu), thượng sĩ Marokin (xạ thủ), thiếu úy Shuyev (cơ khí trên không) đã bị trúng hỏa lực phòng không từ pháo cao xạ Đức bắn lên khi ra khỏi Berlin. Tổ lái Liên Xô phải hạ cánh bắt buộc trên biển Baltic và được tàu chiến Liên Xô vớt lên. Máy bay bị chìm.[54]

Ngày hôm sau, Tờ báo "Pravda" thông báo:

Trong các đêm 8 và 9 tháng 8, các tốp máy bay của Liên Xô đã thực hiện hai cuộc ném bom vào nước Đức, chủ yếu nhằm vào các mục tiêu đã được trinh sát trước tại Berlin gồm các căn cứ quân sự vầ các đầu mối giao thông đường sắt. Các phi công xác nhận đã nhìn thấy nhiều vụ cháy nổ lớn. Hoạt động của lực lượng phòng không Đức là không có hiệu quả. Tất cả các máy bay của chúng tôi đều trở về căn cứ an toàn. Ngoại trừ một trường hợp phải hạ cánh ngoài ý muốn.
— Pravda.[58]

Đêm 12 tháng 8, 13 máy bay DB-3 và IL-4 của Hạm đội Baltic lại cất cánh bay đi không kích nước Đức Quốc xã. Lần này, không quân của Hạm đội Baltic tấn công nhiều mục tiêu hơn. 8 chiếc DB-3 ném xuống Berlin 6 quả bom FAB-250, 26 quả bom FAB-100, 48 quả bom FAB-50 và hơn 10 vạn truyền đơn. Bốn chiếc IL-4 tấn công các căn cứ của quân Đức tại Liepāja, cảng Libava và một chiếc DB-3 tấn công thành phố Kohlberg đã ném xuống 3 quả FAB-250, 20 quả FAB-100 và 12 quả bom cháy ZAB-50. Mặc dù các chuyến bay diễn ra trong thời tiết có mưa và nhiều sương mù nhưng tất cả các máy bay Liên Xô đều trở về căn cứ an toàn.[56]

Từ 0 giờ 50 phút đến 2 giờ 40 phút ngày 16 tháng 8 năm 1941, 19 máy bay DB-3 tiếp tục các trận không kích nước Đức. 17 chiếc DB-3 đã oanh kích khu trung tâm, khu Tây Bắc và khu Đông Bắc Berlin. Trong trận tập kích này, 6 quả bom phá FAB-250, 56 quả bom phá FAB-100, 62 quả bom cháy ZAB-50 và 600 km chai cháy đã được ném xuống các mục tiêu. Ngoài ra, các máy bay này còn tiếp tục rải hàng vạn tờ truyền đơn. Hai chiếc DB-3 được tách ra. Một chiếc thả 4 quả bom EAB-100 và 4 quả bom cháy ZAB-50 xuống Stettin. Chiếc còn lại ném 4 quả bom EAB-100 và 6 quả bom cháy ZAB-50 xuống Noier - Brandenburg. Các phi công đều xác nhận nhìn thấy một số lượng lớn các vụ nổ trên mục tiêu. Trên đường bay về, các phi công lái chính và hoa tiêu trên 2 chiếc DB-3 đã mất phương hướng, làm cho máy bay bị rơi gần sân bay Kogula.[59]

Trong khi Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô ký Sắc lệnh số 34 tặng thưởng 4 danh hiệu Anh hùng Liên Xô, 12 huân chương Lenin, 21 huân chương Cờ đỏ, 20 huân chương Sao Đỏ và 14 huy chương Chiến công cho các phi công, sĩ quan chỉ huy, sĩ quan, hạ sĩ quan và nhân viên kỹ thuật Liên Xô đã tham gia các trận không kích vào lãnh thổ Đức Quốc xã thì tại Berlin, Adolf Hitler đã triệu tập Thống chế Wilhelm Ritter von Leeb và thượng tướng Georg von Küchler đến Văn phòng Đế chế. Hitler yêu cầu các ông này phải bằng mọi cách đánh chiếm quần đảo Moonsund và triệt phá các căn cứ không quân và hải quân Liên Xô trên các hòn đảo, nơi các máy bay Liên Xô xuất kích tấn công Berlin. Không quân Đức tăng cường không kích căn cứ không quân chính Kogula, căn cứ không quân dự bị ở Hanko và quân cảng Kingisepp, buộc quân đội Liên Xô phải rút bớt lực lượng pháo phòng không về bảo vệ các sân bay. 18 chiếc I-15I-153 cũng được gửi đến các sân bay nhỏ tại KihelkonnaVõhma để phối hợp với pháo phòng không bảo vệ sân bay chính.[54]

Các cuộc không kích của không quân Đức đã đánh hỏng ba chiếc DB-3 trên sân bay Kogula. Bất chấp những khó khăn mới, các máy bay của Hạm đội Baltic vẫn tiếp tục cất cánh. Từ 2 giờ 20 phút đến 3 giờ 12 phút ngày 19 tháng 8, 5 chiếc DB-3 bay ở độ cao 6.000 m đã ném 8 quả bom FAB-250, 6 quả FAB-100 và 10 quả bom cháy ZAB-50 xuống Berlin, hai chiếc DB-3 khác tấn công Świnoujście. Một chiếc DB-3 mang số hiệu 391401 bị lực lượng phòng không Đức bắn cháy và rơi trên đất Đức, chiếc còn lại thả xuống mục tiêu này 2 quả FAB-250 và 2 quả ZAB-50.

Từ 0 giờ 50 phút đến 3 giờ 30 phút ngày 21 tháng 8, đã có 4 trận không kích vào các mục tiêu trong lãnh thổ nước Đức và ven biển Baltic trong vùng quân Đức kiểm soát. Tại Berlin, ba chiếc DB-3 bay ở độ cao trên mây (6.000 m đến 7.300 m) đã ném xuống Berlin 3 quả bom phá hạng nặng FAB-500, 4 quả FAB-100 và 8 quả bom cháy ZAB-50. Bốn phi đội DB-3 khác do bị mây mù che khuất mặt đất đã phải đổi mục tiêu. Họ ném xuống Danzig 2 quả bom phá hạng nặng FAB-500, ném xuống Świnoujście 6 quả bom FAB-250 và ném xuống Liepāja gần 1 tấn thuốc nổ mạnh. Các máy bay đều rở về căn cứ an toàn. Từ ngày 22 tháng 8, Tập đoàn quân không quân 1 (Đức) tăng cường oanh tạc đảo Saaremaa, làm hỏng đường băng chính tại sân bay Kogula. Cuộc không kích của Liên Xô buộc phải tạm dừng lại mấy ngày.[60]

Quân Đức tăng cường thêm lực lượng pháo cao xạ và các đèn pha cỡ lớn để bảo vệ Berlin. Lúc 19 giờ ngày 31 tháng 8, 6 chiếc DB-3 bay đến Berlin thì hai chiếc đã bị pháo phòng không Đức bắn rơi trên không phận thành phố. Bốn chiếc còn lại đã thả xuống 2 quả bom FB-500, 12 quả bom cháy ZAB-50 và 2 tấn thuốc nổ mạnh. Ba chiếc DB-3 khác không đến đích do bị lạc trong sương mù đã phải quay về ném bom Klaipėda, Liepāja và Danzig. Trong khi hạ cánh xuống sân bay Kogula, một chiếc DB-3 đã chạy vượt đường băng và đâm vào núi, phi hành đoàn thiệt mạng. Đây là trận đánh có thiệt hại lớn nhất của không quân tầm xa Hạm đội Baltic kể từ ngày bắt đầu chiến dịch "B".[56]

Ngày 30 tháng 8, quân đội Đức Quốc xã chiếm Tallinn. Đây là một tổn thất nặng nề không chỉ của lực lượng trên biển mà còn cả với lực lượng không quân của Hạm đội Baltic. Mất Tallinn, căn cứ không quân trên đảo Saaremaa không chỉ mất một căn cứ hậu cần quan trọng mà khả năng tự bảo vệ của nó cũng bị đe dọa khi các máy bay Đức Quốc xã đậu tại Tallinn có cự li tấn công gần hơn tới đảo Saaremaa. Tuy nhiên, phi đoàn đặc nhiệm DB-3 (Liên Xô) vẫn cố gắng tận dụng hết khả năng và thời gian còn lại của họ để tiếp tục không kích nước Đức. STAVKA yêu cầu họ sử dụng loại bom FAB-1000, một trong các loại bom lớn nhất thời đó. Mỗi chiếc DB-3 chỉ có thể đem theo 1 quả FAB-1000 và 2 quả FAB-500. Tuy nhiên, chuyến bay thử đầu tiên đã thất bại bi thảm. Chiếc DB-3 chở quá nặng không thể cất lên cao khi rời khỏi đường băng đã rơi xuống rừng cây và nổ tung, giết chết phi hành đoàn do đại úy Grechishnikov chỉ huy.[60]

Chỉ huy phi đoàn đặc nhiệm, Đại tá Preobrazhensky quyết định sử dụng loại bom đã dùng để tiếp tục chiến dịch. Ông cũng cho sử dụng các tốp bay nhỏ lẻ 2 đến 4 chiếc để tránh thiệt hại lớn. Lúc 19 giờ 55 phút ngày 2 tháng 9, 1 chiếc DB-3 đã vượt qua được lưới lửa phòng không Đức và ném 4 quả bom FAB-250 xuống Berlin. Chiếc còn lại do trục trặc kỹ thuật không đến được mục tiêu, đã phải ném 2 quả bom FAB-250 và 4 quả bom FAB-100 xuống cảng Liepāja và quay về. Từ 22 giờ 30 phút đến 23 giờ 30 phút ngày 4 tháng 9, 6 chiếc DB-3 cất cánh, 4 chiếc đến được Berlin đã ném xuống 2 quả bom FAB-100 và 18 quả bom cháy ZAB-50. Một chiếc DB-3 phải vứt bom xuống biển để đối phó với cuộc tấn công của ba máy bay tiêm kích ban đêm của không quân Đức và may mắn bay thoát về Saaremaa khi các máy bay Đức cạn dầu. Chiếc DB-3 số 391115 bị bắn rơi sau khi thả bom gần Świnoujście. Đây là trận không kích cuối cùng của không quân Hạm đội Baltic nhằm vào Berlin và lãnh thổ Đức trong Chiến dịch "B".[52]

Trước nguy cơ quân Đức đổ bộ tấn công lên các đảo SaaremaaHiiumaa, ngày 5 tháng 9 STAVKA quyết định rút tất cả các máy bay DB-3 còn lại về Leningrad để tham gia bảo vệ thành phố. Ngày 6 tháng 9, không quân Đức Quốc xã mở cuộc tập kích lớn vào sân bay Kogula, phá hủy đường băng sân bay này. Tuy nhiên, chỉ có 6 chiếc I-5 và 2 chiếc I-153 bị phá hủy, 8 chiếc I-5, 2 chiếc I-153 và 27 chiếc DB-3 còn lại đã được sơ tán về Leningrad. Tổng cộng trong chiến dịch "B", không quân tầm xa thuộc Hạm đội Baltic của Liên Xô đã thực hiện 52 phi vụ, trong đó có 36 phi vụ tại Berlin. Tổng số lượng bom được ném xuống gồm 331 quả từ loại FAB-500 đến loại FAB-50 và ZAB-50, nặng tổng cộng 36,05 tấn. Phi đội đặc nhiệm mất 17 chiếc DB-3 (kể cả những chiếc bị tai nạn) và 7 phi hành đoàn.[61]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mặt_trận_Baltic_(1941) http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://rus-sky.com/history/library/w/w06.htm#_Toc5... http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec41.html http://data.lnb.lv/nba01/Tevija/1941/Tevija1941-05... http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/d/dd... http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/e/ed... http://militera.lib.ru/h/1941/03.html http://militera.lib.ru/h/achkasov_pavlovich/04.htm...